Bác Hồ kính yêu - Vầng dương trời Việt - Biểu tượng đức hy sinh cao đẹp!
Bác sống như trời đất của ta!
Yêu từng ngọn cỏ, mỗi cành hoa.
Tự do cho mỗi đời nô lệ.
Sữa để em thơ, lụa tặng già
(Tố Hữu)
Một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là suốt cả cuộc đời tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân và không một chút riêng tư...
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động - đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân sống kiếp đời nô lệ, lầm than, biết bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc đều lần lượt bị thất bại. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, từ thuở niên thiếu, Nguyễn Tất Thành đã nung nấu ý chí, khát vọng cứu nước, cứu dân.
Năm 1911, Người đã lên tàu rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với hành trang duy nhất mang theo trong mình là lòng yêu nước và khát vọng giành lại nền độc lập cho đất nước. Trên con đường cứu nước đầy sóng gió, chông gai, lòng yêu nước, thương dân, tất cả vì dân, vì nước luôn canh cánh, thôi thúc Người không quản gian nguy, kiên định, dũng cảm và sáng suốt để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện bằng được mục tiêu giành lại độc lập cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho đồng bào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận dấn thân vào thực tiễn đấu tranh để mưu cầu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và toàn nhân loại, bởi Người nhận thức rõ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, cùng với hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành tiến bộ, được chăm sóc sức khoẻ, được tự do đi lại, được hưởng quyền dân chủ, có đời sống ấm no hạnh phúc. Chính vì nhận thức và ham muốn mãnh liệt ấy đã tạo cho Người một ý chí, nghị lực phi thường để “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, Người đã hiến dâng trọn đời mình cho cách mạng, đất nước và nhân dân, còn riêng mình thì sống một “cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son”. Người nói: “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Đối với Hồ Chí Minh, lòng yêu nước với thương dân như hình với bóng, thông cảm sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh; không thể có yêu nước mà lại không thương dân, không lấy nguyện vọng, ham muốn của dân làm nguyện vọng, ham muốn của mình. Vì lẽ đó mà khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước: “Một là, làm cho dân có ăn. Hai là, làm cho dân có mặc. Ba là, làm cho dân có chỗ ở. Bốn là, làm cho dân được học hành”.
Với lẽ sống “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và đức hy sinh vì nước, vì dân, coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng, nên từ lúc còn bôn ba tìm đường cứu nước cho đến khi làm Chủ tịch nước, Người vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, tao nhã. Hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, Người không ở ngôi dinh thự của Phủ toàn quyền Đông Dương được lấy làm Phủ Chủ tịch, mà chọn ngôi nhà sàn đơn sơ, chỉ có hai phòng nhỏ là nơi Người vừa ở vừa làm việc. Phương tiện sinh hoạt của một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước chỉ là một chiếc giường đơn chiếu cói, một tủ quần áo, một chiếc máy thu thanh, một đôi dép cao su, hai bộ quần áo kaki… Bữa ăn hàng ngày hết sức dân dã thường chỉ có canh cua, tương, cà, dưa muối, cá kho với lá gừng… Thật là một sự giản dị hết sức vĩ đại.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể rằng, lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt đều như anh em. Người thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm. Lúc ở rừng, Hồ Chí Minh chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa. Buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần thì đi vác củi cho đồng bào…
Bác Hồ kính yêu đã sống một cuộc đời thật thanh cao, giản dị, không màng danh lợi. Khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước, Người tâm sự: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Vì vậy, Người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho dân, cho nước; Người “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Người nói với nhân dân của Người bằng cả trái tim và tấm lòng: “Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào thì từ nay về sau, mãi mãi tôi vẫn thuộc về đồng bào”.
Năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa Đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiến áo len đang mặc để gửi cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Bác còn dành cả tiền lương, nhuận bút, quần áo, khăn mặt để tặng các chiến sĩ, gia đình chính sách, các cụ già, em thơ và những người nghèo khổ...
Với lòng nhân ái bao la, Người đã dành tình yêu thương, sự chia sẻ nỗi đau với mỗi người. Người đau nỗi đau của một người từng trải và chứng kiến nhiều cảnh đau thương mất mát, bao cảnh bất công, ngang trái mà đồng bào mình, đất nước mình và các dân tộc đồng cảnh ngộ phải gánh chịu…Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”; hay “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Người đã hy sinh cả cuộc sống riêng tư, hy sinh tình nhà để lo việc nước, được thể hiện qua bức điện gửi về quê, khi nghe tin anh trai của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh ốm đau tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một con người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Thật cảm động và tự hào biết bao về đức hy sinh to lớn của Bác Hồ kính yêu.
“Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta.
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy.
Như dòng sông chảy, nặng phù sa”.
(Tố Hữu)
Nói về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần tận tuỵ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”.
Trước lúc đi xa, Bác đã viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng Người để lại cho cho toàn Đảng, toàn dân ta không chỉ là một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn cả một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước được độc lập, phồn vinh; cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đức hy sinh và tình thương yêu của Bác là tấm gương sáng ngời tiếp tục soi sáng đạo đức, tâm hồn cho mỗi thế hệ người Việt Nam. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là là niềm tin và động lực để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
(Ban XDTCH Sưu tầm và Tổng hợp)
Ngày đăng: 15/05/2024 - 16:33