Đại hội XX Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định
  

Tài liệu tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ xx, nhiệm kỳ 2021-2026

I. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TỈNH BÌNH ĐỊNH LÀ SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ, NGÀY HỘI CỦA TẦNG LỚP PHỤ NỮ TRONG TỈNH

 Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 01 ngày (20/12/2021) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, theo hình thức trực tuyến cùng với10 điểm cầu các huyện/thị xã; phiên khai mạc Đại hội buổi sáng được Truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định.

Đại hội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tất cả các đại biểu tham dự Đại hội đảm bảo tiêm đủ 02 mũi vắc-xin và có kết quả test âm tínhSARS-CoV-2, đo thân nhiệt trước khi tham dự Đại hội. Toàn bộ đại biểu tham dự Đại hội ngồi giãn cách và thực hiện nghiêm yêu cầu 5k của Bộ Y tế.

Tiêu chí “Đại hội xanh, chống rác thải nhựa” được triển khai xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Các sản phẩm sử dụng cho Đại hội được lựa chọn thân thiện với môi trường, giảm tối đa việc phát sinh chất thải nhựa dùng một lần.

1. Số lượng đại biểu tham dự: Có 250 đại biểu chính thức đại diện cho 248.214 cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Bình Định,có 64 đại biểu mời.

2. Chủ đề của đại hội

Chủ đề xuyên suốt Đại hội là: “Phụ nữ Bình Định phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định phát triển toàn diện và bền vững”; Phương châm Đại hội là: “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”.

3. Các nội dung của Đại hội

Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành thực hiện các nội dung quan trọng:

- Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, lĩnh vực ưu tiên và nhiệm vụ hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ, nhiệm kỳ 2021 - 2026;

- Kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021;

- Tham luận, thảo luận đóng góp ý kiến tham gia Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam;

- Bầu Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt của Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026;

- Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

- Trong khuôn khổ Đại hội, nhiều hoạt động đã diễn ra thiết thực, hiệu quả:

+ Đại hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng Chương trình“Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm góp phần hỗ trợcho phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh Covid-19, ổn định cuộc sống.

+ Tổ chức Triển lãm Ảnh “Phụ nữ Bình Định tôn vinh Áo dài Việt”.

4. Kết quả Đại hội

Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIX; rút ra 4 bài học kinh nghiệm; các nội dung đã được xác định trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIX trình Đại hội, giao Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XX tiếp thu, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Thống nhất thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XII trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam. Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XX tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Đại hội đã thông qua kết quả bầu cử Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 33 chị.

- Nhân sự Nhiệm kỳ 2021-2026:

+ Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XX đã quyết định số lượng Ban Thường vụ 09 chị, bầu tại Hội nghị 9 chị.

+ Chị Nguyễn Thị Thu Thủy-Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026

+ Các Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: Chị Đặng Thị Hồng Hạnh, Hoàng Thị Thanh Nhã, Phùng Thị Ngọc Tuyết.

- Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII gồm 11 chị đại biểu chính thức và 4 chị đại biểu dự khuyết.

5. Hoạt động hướng về Đại hội của các cấp hội trong toàn tỉnh

Một số hoạt động tiêu biểu chào mừng trước, trong và sau Đại hội:

- Phát động công trình thi đua ở các cấp Hội: 35 phần việc được đăng ký thực hiện, vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 24 nhà (trị giá 452,6 triệu đồng).

- Hội LHPN tỉnh trao 05 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; trao 100 suất quà từ Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” cho hội viên, phụ nữcó hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Quy Nhơn.

- Tổ chức Cuộc thi kể Câu chuyện Phụ nữ khởi nghiệp qua ảnh; tổ chức 04 phiên chợ xanh gồm các sản phẩm OCOP của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã có hội viên, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.

- Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (Đề án 938) trên địa bàn tỉnh Bình Định.

- Cuộc thi Ảnh và triển lãm Ảnh “Phụ nữ Bình Định - Tôn vinh Áo dài Việt” có 97 tác giả tham dự, với 364 tác phẩm/688 ảnh. Kết quả: 67 tác phẩm dự treo triển lãm, 11 tác phẩm đạt giải.

- Ra mắt 02 mô hình “Phụ nữ với phong trào chống rác thải nhựa” tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn).

- Với tinh thần “Mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh”,“Mỗi phụ nữ - một cây xanh”, các cấp Hội trồng mới 13.711m hoa mười giờ, hoa giấy, các loại hoa ngũ sắc…, 7.818 cây xanh các loại trước nhà, nơi làm việc...; hoàn thành 227 “Con đường hoa phụ nữ chăm xanh, sạch, đẹp”; xây dựng 08 công trình “Tuyến đường hoa do phụ nữ chăm” tại các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

II. NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TỈNH BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ XX, NHIỆM KỲ 2021 -2026

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã tập trung trí tuệ thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIX trình Đại hội.

Trong 05 năm qua, phụ nữ Bình Định đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm kỳ 2016-2021, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

1. Đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội LHPN tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh cònnhiều khó khăn, thách thức nhưng Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tích cực, năng động, sáng tạo trong phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 02 Cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”“Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu Nghị quyết được triển khai thực hiện đạt kết quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên phụ nữ; 6/6 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIX đều đạt và vượt, 7/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đạt so với chỉ tiêu đăng ký thực hiện từ đầu nhiệm kỳ.

Các cấp Hội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai từng hoạt động, chủ đề, chủ điểm, phần việc cụ thể, tập trung theo hướngưu tiên về cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của hội viên phụ nữ, được hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng.Quan tâm công tác tuyên truyền các điển hình, mô hình hoạt động hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội.Chú trọng chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, kịp thời biểu dương,khen thưởngnhững điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong từng phong trào, tạo sự khích lệ và có sức lan tỏa trong cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của hội viên, phụ nữ, tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội.

Đạt được kết quả trên là sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào phụ nữ nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số cơ sở Hội còn chậm đổi mới, chưa linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, thiếu sự sáng tạo, chưa đáp ứng yêu cầu.Công tác phát hiện, giới thiệu các điển hình, mô hình hiệu quả hoặc cách làm hay chưa thực hiện thường xuyên, chưa có tính mới, đa dạng, chủ yếu tập trung phát hiện gương điển hình/mô hình phát triển kinh tế. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sát hội viên, vẫn còn tình trạng phụ nữ tham gia khiếu kiện đông người.Năng lực, trình độ, kỹ năng của một số cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quản lý hội viên gắn với nâng cao chất lượng hoạt động chưa được chặt chẽ. Công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là: Do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên tình trạng hội viên phụ nữ đi làm ăn xa nên chưa thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội, địa hình đi lại một số nơi còn khó khăn.Tình hình thiên tai, các đợt bão, lũ liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Mạng xã hội ngày càng phát triển rộng khắp và có nhiều tính năng vượt trội nên nhiều người thích tiếp cận thông tin ở các kênh này hơn là tham gia sinh hoạt hội, việc cụ thể hóa nội dung thi đua ở các cấp Hội có nơi chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ dẫn đến tỷ lệ thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội chưa cao. Chế độ, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách còn thấp chưa đảm bảo khuyến khích đội ngũ chi/tổ tham gia hoạt động Hội. Vai trò tham mưu của Hội đối với cấp ủy, chính quyền đôi lúc chưa kịp thời; công tác phối hợp các ngành liên quan, hội đoàn thể thiếu đồng bộ, chưa được phát huy tốt. Kỹ năng lãnh đạo của một số cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

*Một số kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2021:

6/6 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIX và 3 lĩnh vực ưu tiên đều được các cấp Hội triển khai thực hiện đạt kết quả.

- Đã có trên 1.126 công trình, phần việc bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm do phụ nữ đảm nhận thực hiện.

46.851 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được các cấp hội giúp, trong đó có 8.538 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo.

- Có 1.053 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và có 15 sản phẩm từ các cở sản xuất do nữ làm chủ đạt tiểu chuẩn OCOP...

2. Nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Định, lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2026

Đại hội đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Đại hội đã biểu quyết mục tiêu chung, 9 chỉ tiêu cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể:

2.1 Mục tiêu: Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng lực của tổ chức Hội; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tăng tính chủ động, sáng tạo cho cơ sở; nêu cao tinh thần tự chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ cho phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định phát triển toàn diện, bền vững.

2.2. Chỉ tiêu: 09 chỉ tiêu

- Chỉ tiêu 1: Hàng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” và đăng ký thực hiện 01 công trình/phần việc phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Chỉ tiêu 2: Hàng năm, mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 4 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, trong đó duy trì thường xuyên 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng ít nhất 03 điển hình (tập thể, cá nhân) trong thực hiện phong trào thi đua, hoạt động công tác Hội và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Chỉ tiêu 3: Hàng năm, mỗi cơ sở giúp ít nhất 01 hộ có phụ nữ được thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% - 2%/năm.

- Chỉ tiêu 4: Hàng năm, hỗ trợ nâng cao năng lực cho 100 doanh nghiệp nữ, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 5 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

- Chỉ tiêu 5: Đến cuối nhiệm kỳ, phát triển mới 17.000 hội viên, duy trì không còn cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp phụ nữ đủ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội dưới 50%. Đến cuối nhiệm kỳ, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, khó tập hợp ở địa phương hoạt động hiệu quả (nữ thanh niênphụ nữ cao tuổi, phụ nữ đi làm ăn xa, nữ tiểu thương, tôn giáo...).

- Chỉ tiêu 6: Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội. 100% Chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Riêng Hội LHPN tỉnh, phấn đấu xây dựng phòng họp không giấy.

- Chỉ tiêu 7: Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách; Hội LHPN cấp huyện và cấp xã tham gia giám sát ít nhất 01 chính sách.

- Chỉ tiêu 8: Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chủ trì phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội. Hội LHPN cấp huyện, cấp xã tham gia góp ý phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.

- Chỉ tiêu 9: Đến cuối nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh, cấp huyện tham mưu đề xuất và được phê duyệt ít nhất 01 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2030 trên địa bàn tỉnh.

2.3. Đại hội phát động thực hiện phong trào thi đua:“Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” gắn việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

2.4. Khâu đột phá: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”.

2.5.Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội và các giải pháp cụ thể

Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới

+ Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

+ Nâng cao vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong việc phát triển các nghề truyền thống, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.

+ Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em

+ Tập trung tổ chức/phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về giáo dục đời sống gia đình... Xây dựng các mô hình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, các mô hình hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, phát triển trẻ em... góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 8%

+ Kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho phụ nữ yếu thế, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình khi được phát hiện, được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội và ít nhất 80% phụ nữ khuyết tật được hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau.

+ Triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô t.hị văn minh”, tập trung thực hiện đạt tiêu chí khó, tiêu chí “3 sạch”, tiêu chí môi trường.

+ Đẩy mạnh vai trò của tổ chức Hội trong tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Thực hiện tốt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018 – 2027” (gọi tắt là Đề án 938). Tập trung phát hiện, đề xuất/kiến nghị các ngành liên quan giải quyết những vấn đề ảnh hưởng, tác động đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, của Hội.

- Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

+ Vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động học tập, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ.

+ Thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án 939); tập trung hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; các mô hình hợp tác xã có phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý; phát huy Bộ phận tư vấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

+ Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tài chính phát triển kinh tế, tập trung hỗ trợ hộ nghèo có phụ nữ, phụ nữ yếu thế và phụ nữ dân tộc thiểu số. Tiếp tục phối hợp các cơ sở dạy nghề của địa phương, vận động hội viên phụ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề, liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, phong trào giúp nhau giảm nghèo bền vững ngày càng thiết thực.

Nhiệm vụ 2: Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới

- Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

+ Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, gương mẫu tuân thủ pháp luật của các tầng lớp phụ nữ.

- Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới

+ Tổ chức phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

+ Tập huấn/phối hợp tập huấn kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh của cán bộ Hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.

- Thực hiện hiệu quả chức năng đại diện giám sát của tổ chức Hội trong thực hiện dân chủ cơ sở: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở trong tổ chức các hoạt động để phụ nữ thực hiện dân chủ thực chất; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với cấp ủy, chính quyền.

- Vận động xã hội thực hiện giám sát bình đẳng giới         

+ Tham  mưu, đề xuất cấp uỷ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu tham gia cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các chức danh lãnh đạo quản lý.

+ Tổ chức các hoạt động kết nối đội ngũ cán bộ nữ trong hỗ trợ nhau cùng tiến bộ, phát triển, chia sẻ kinh nghiệm.

Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh,hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả

- Phát triển mạng lưới thu hút hội viên, thành viên

+ Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội cơ sở, đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt và loại hình tập hợp hội viên với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; tập trung hỗ trợ cơ sở khó khăn trong công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên; xây dựng các mô hình đặc thù.

+ Tăng cường trách nhiệm của các cấp Hội đối với hoạt động cơ sở; nắm chắc địa bàn, tư tưởng hội viên phụ nữ; kịp thời đề xuất kiến nghị với cấp ủy, chính quyền; giải quyết đề xuất các hoạt động phù hợp với đối tượng, vùng miền, thu hút phụ nữ tham gia các hoạt động của Hội.

+ Tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức các hoạt động về vận động phụ nữ các dân tộc, tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Duy trì các hoạt động kết nghĩa giữa Hội Phụ nữ đồng bằng và các xã miền núi, khó khăn; tổ chức, vận động nguồn lực hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới Vĩnh Thuận – huyện Vĩnh Thạnh được tỉnh giao Hội LHPN tỉnh giúp đỡ.

- Nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp; quan tâm hỗ trợ cán bộ Hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong thực hiện nghiệp vụ công tác Hội.

+ Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2019 -2025 (Đề án 1893), đảm bảo cán bộ, công chức từ tỉnh đền cơ sở đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về ngạch, chức danh, vị trí việc làm...

+ Thực hiện kiện toàn, sắp xếp bộ máy; rà soát nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ phù hợp cán bộ cơ quan chuyên trách các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

- Thực hiện xây dựng văn hóa công sở, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội.

+ Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh người cán bộ Hội năng động trong thời kỳ hội nhập; triển khai đồng bộ, nhất quán bộ nhận diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hệ thống Hội.

+Tăng cường công tác kiểm tra, giám sátthực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp và Điều lệ Hội.

- Nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại

+ Nâng cao trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.

+ Tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc trao đổi kinh nghiệm nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác với Hội Phụ nữ các tỉnh Nam Lào.

+ Tăng cường ký kết các chương trình phối hợp các ban, ngành địa phương nhằm thúc đẩy sự tham gia của các ngành đối với phong trào của Hội.

Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Bình Định phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết vượt qua khó khăn thách thức cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, vì hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định phát triển toàn diện và bền vững. 


HỘI LHPN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Ngày đăng: 25/04/2022 - 14:45

VĂN BẢN HOẠT ĐỘNG HỘI

Số: 248/QĐ-HPN
V/v công bố công khai điều chỉnh dự toán NSNN năm 2023 của Hội Phụ nữ tỉnh

Số: 245/QĐ-HPN
Về việc công bố công khai dự toán năm 2024 của Hội LHPN tỉnh Bình Định

Số: 242/QĐ-HPN
V/v công bố công khai điều chỉnh bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 để thực hiện quy định khoán kinh phí giao dự toán công việc thừa hành, phuc vụ

LIÊN KẾT WEBSITE
LƯỢT TRUY CẬP

 Đang truy cập: 82

 Hôm nay: 49245

 Tổng cộng: 465427

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ BÌNH ĐỊNH

Địa chỉ: 21 - Đường Mai Xuân Thưởng - Tp Quy Nhơn - Bình Định

Chịu trách nhiệm nội dung: Đặng Thị Hồng Hạnh

Phó Chủ tịch trường trực Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban biên tập

Liên hệ
  • Tel: +84-56-3811826; 84-56-3822872

  • Email: webhoiphunubinhdinh@gmail.com