Bài học kinh nghiệm từ phong trào “Ba đảm đang” với việc tổ chức phong trào của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022
Phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại - do Hội LHPN Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Thị Thập. Phong trào thi đua “Ba đảm đang” - một trong những phong trào chức đã phát triển không ngừng và trở thành phong trào yêu nước rộng lớn, hoạt động nổi bật trong lịch sử hoạt động của Hội LHPN Việt Nam và là một bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (giữa ảnh hàng trên) trò chuyện với phụ nữ các dân tộc tại Đại hội phụ nữ khu Việt Bắc, năm 1974
Vai trò của đồng chí Nguyễn Thị Thập với phong trào “Ba đảm đang”
Trong chiến công đó, vai trò to lớn của người đứng đầu Hội LHPN Việt Nam - đồng chí Nguyễn Thị Thập đã được Đảng, nhà nước, nhân dân và phụ nữ cả nước ghi nhận. Nắm bắt tình hình thực tế, với tầm lãnh đạo chiến lược, đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo đề ra những chủ trương chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng của phụ nữ và tình hình của đất nước.
Đồng chí đã dẫn dắt Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt là phong trào “Ba đảm đang” có sức lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Thập, phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tại hội nghị mở rộng của Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Hà Tây tháng 3-1965, Ban chấp hành Hội LHPN huyện Đan Phượng đã gửi thư lên Ban chấp hành Đảng bộ Hà Đông hứa sẽ quyết tâm vận động phụ nữ trong huyện thực hiện tốt ba nhiệm vụ: (1) Gánh vác thêm phần việc của chồng, con, anh em và động viên chồng, con, anh em lên đường đi chiến đấu; (2) Đảm nhiệm và hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất, công tác ở địa phương để nam giới yên tâm ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn một tên giặc; (3) Sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở địa phương khi cần thiết.
Nhận được báo cáo, với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã họp bàn thống nhất trong Ban Thường trực đề ra chủ trương cử các đoàn đi công tác cơ sở, nắm bắt rõ thực tế, tổng hợp tình hình; Thảo luận, đi đến quyết định đề xuất với Trung ương Đảng phát động trong toàn thể phụ nữ miền Bắc phong trào “Ba đảm nhiệm”. Bộ chính trị Trung ương Đảng đã nhất trí cao với đề xuất này, coi đó là sự chuyển hướng kịp thời khẩu hiệu vận động phụ nữ trước tình thế cấp bách của đất nước.
Ngày 22/3/1965, Chỉ thị số 03 của Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam về mở cuộc vận động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ, tăng cường đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu được ban hành. Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ mới và yêu cầu thực tiễn, sau khi phong trào được phát động được một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”.
Phong trào phát triển sôi động ở tất cả các cấp hội cơ sở. Đến tháng 5 năm 1965 (sau hơn 2 tháng kể từ khi phát động), toàn miền Bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký danh hiệu “Ba đảm đang” thi đua lập thành tích xuất sắc.
Nâng tầm phong trào “Ba đảm đang” trở thành phong trào lớn của cả nước
Để tiếp tục đưa phong trào lên một tầm cao mới, ngày 19-2-1966, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập cùng Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra chỉ thị về việc tổ chức Đại hội "Ba đảm đang". Từ thời điểm này trở đi, phong trào “Ba đảm đang” trở thành nội dung trọng tâm trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.
Nhằm động viên phong trào của phụ nữ hai miền Nam - Bắc, ngày 8/3/1966, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập, thay mặt Hội LHPN Việt Nam phát động chị em hai miền thi đua thực hiện “Ba đảm đang” với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Giải phóng miền Nam cùng giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ do yêu cầu của cách mạng đề ra cho Hội trong tình hình mới và khẳng định cuộc thi đua yêu nước của phụ nữ hai miền Nam – Bắc nhất định thắng lợi. Ghi nhận sự đóng góp to lớn của phụ nữ hai miền Nam – Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước” nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1966).
Năm 1967, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập thống nhất trong Ban thường trực Trung ương Hội đã trao tặng cờ “Ba đảm đang” cho phong trào phụ nữ 19 tỉnh/thành có thành tích xuất sắc, tặng bằng khen cho 7 tỉnh/thành có nhiều cố gắng đạt thành tích từng mặt trong phong trào “Ba đảm đang”.
Ngày 30/5/1968, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập họp bàn trong Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết số 03/BTT, quyết định nâng cao chất lượng phong trào Ba đảm đang, tiến lên cao trào Ba đảm đang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nội dung cụ thể là: “Đảm đang sản xuất, công tác; Đảm đang gia đình; Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu"..
Phong trào thi đua “Ba đảm đang” đã phát triển không ngừng và trở thành phong trào yêu nước rộng lớn như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Phong trào này có những bước tiến bộ nổi bật, xứng đáng với 12 chữ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tặng". Phong trào đã có gần 2000 phụ nữ được tặng Huy hiệu Hồ Chủ Tịch, gần 4 triệu phụ nữ đạt danh hiệu Ba đảm đang.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tặng hoa các điển hình tại Chương trình “Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang, Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác, giai đoạn 2015-2020”.
Bài học kinh nghiệm của phong trào “Ba đảm đang” với việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua/cuộc vận động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào/cuộc vận động, phát huy vai trò người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu phải lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm thông qua các chỉ thị/nghị quyết cụ thể.
Thứ hai, cần xác định rõ mục đích, nội dung và cách thức tổ chức thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động. Về cách thức tổ chức thực hiện cần đi theo quy trình: (1) Phát động phong trào/cuộc vận động, (2) Ký kết giao ước thi đua, (3) Chỉ đạo điểm (với phong trào/cuộc vận động lớn, thời gian dài), (4) Hướng dẫn, đôn đốc, (5) Kiểm tra, giám sát, (6) Phát hiện, bồi dưỡng nhân điển hình, (7) Sơ - tổng kết - rút kinh nghiệm, (8) Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào thi đua và các cuộc vận động. Thực tiễn phong trào “Ba đảm đang” đã chỉ rõ muốn vận động, lan tỏa được phong trào/cuộc vận động thì phải biết tuyên truyền, giải thích, động viên cho cá nhân hội viên, phụ nữ tự nguyện, tự giác tham gia.
Thứ tư, sơ, tổng kết phong trào thi đua/cuộc vận động là một nhiệm vụ quan trọng. Các phong trào/cuộc vận động cần được kiểm tra, sơ, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục.
Phong trào “Ba đảm đang” có vai trò to lớn của người đứng đầu Hội LHPN Việt Nam, trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam. Đến nay, phong trào “Ba đảm đang” vẫn sống động với sự tiếp nối của phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.
Theo nguồn TW Hội LHPN Việt Nam
Ngày đăng: 01/03/2022 - 15:04