Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được coi là phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được bình đẳng giới.Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong cácchính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được coi là việc làm rất quan trọng, tạo tiền đề pháp lý để thực thi bình đẳng giới trong thực tế.
Năm 2019, trong khuôn khổ hoạt động của dự án : “Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” (FLOW/EOWE), bên cạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các trưởng, phó nhóm (ToF) với 111 người tham gia, có 88/111 người là nữ, chiếm tỷ lệ 79,3%. Tổ chức 22 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cải tiến sản xuất lúa SRI kết hợp lồng ghép bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phát triển kinh tế cho đối tượng là phụ nữ ở các địa phương trong vùng dự ángồm xã Hoài Châu, HTX Ngọc An – Hoài Nhơn và các vùng mở rộng; có trên 1.264lượt nông dân tham gia; trong đó 766/1.264người là nữ, đạt tỷ lệ 60,6%.
Mục tiêu lớp tập huấn giúp cho học viên nắm bắt được kỹ thuật sản xuất lúa thâm canh SRI, hiểu được các vấn đề cơ bản về giới, lồng ghép giới, các hoạt động lồng ghép giới trong sản xuất lúa SRI, và nâng cao nhận thức giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo đó,bà con nông dân được nghe giới thiệu về: Kỹ thuật canh tác thâm canh lúa cải tiến (SRI); một số lưu ý trong cách chọn giống; lịch thời vụ gieo sạ; khâu làm đất; ngâm ủ giống; kỹ thuật bón phân; tiết kiệm nước theo phương pháp tưới “khô, ướt xen kẽ”; quản lý dịch hại tổng hợp và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Hiệu quả kinh tế mang lại là giảm chi phí đầu tư; tăng năng suất, sản lượng; tăng hiệu quả kinh tế từ 20-25%. Đối với môi trường: Giảm phát thải khí nhà kính. Hiệu quả xã hội: Giảm tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, giảm phân bón, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tích tụ hóa chất độc hại tồn dư trong nông sản; nâng cao trình độ thâm canh cây lúa của hộ nông dân.
Song song với nội dung trên, bà con được nghe giới thiệu các khái niệm cơ bản về giới nhưgiới và giới tính, định kiến giới và khuôn mẫu giới; phân công lao động giới và vai trò giới, công cụ phân tích vai trò giới;bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới; giải pháp nâng cao nhận thức giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp,…
Tham gia giảng dạy là các cán bộ kỹ thuật, cán bộ giới của Trung tâm khuyến nông đã được đào tạo qua các lớp tập huấn cơ bản và nâng cao và chuyên gia về giới của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh. Các giảng viên có chuyên môn, có kỹ năng và phương pháp tập huấn phù hợp với đối tượng học viên; với phương pháp giảng dạy có sự tham gia của học viên; nhiệt tình trong giảng dạy và biết kết hợp tốt giữa lý thuyết với thực hành, lấy học viên làm trung tâm.
Kết quả trước khi tập huấn đa số người dân đều hiểu tương đối về giới nhưng họ chưa hiểu sâu về vai trò giới, bình đẳng giới; sau tập huấn cho thấy có đến 82,5% phân biệt vai trò của giới và 100% đều thống nhất “vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập và quyết định các nguồn lực trong gia đình”,…
Thông quacác chương trìnhtập huấnđã giúp cho bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho phụ nữ. Đồng thời, thông qua lồng ghép giới trong thực hiện dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” bà con có thêm kiến thức bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng, tiếp tục cải thiện và nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tạo điều kiện để phụ nữ đóng góp vai trò của mình tham gia nhiều hơn vào các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội ở địa phương.
Bình đẳng giới trong gia đình là then chốt, bình đẳng giới được thực hiện tốt khi tiếng nói và hình ảnh phụ nữ được trân trọng!